Đề Xuất 4/2024 # Trẻ Sinh Non Có Những Nguy Cơ Nào Cần Chú Ý? # Top 3 Yêu Thích

Trẻ sinh non không được chuẩn bị đầy đủ về thể chất để sẵn sàng thích nghi với môi trường sống bên ngoài. Cơ thể nhỏ bé của trẻ vẫn có những cơ quan chưa trưởng thành. Rất may mắn là nhờ sự phát triển của y tế đã giúp trẻ sinh non có thể vượt qua vài tháng đầu đời cho đến khi chúng đủ khỏe mạnh.

1. Cho trẻ ăn sữa

Giai đoạn đầu, con bạn có thể quá yếu hoặc khó thở để bú mẹ hay bú bình. Một số trẻ có thể phải được truyền dịch dinh dưỡng ngay sau khi sinh. Đôi khi mất vài tuần trước khi ruột của trẻ sẵn sàng để hấp thu sữa mẹ hoặc sữa công thức. Vì phản xạ bú và nuốt chưa hoàn chỉnh ở trẻ sinh non, trẻ dễ có nguy cơ bị sặc hoặc không thể bú. Vậy nên, bạn cần dùng máy vắt sữa để cung cấp sữa mẹ cho trẻ. Sữa mẹ giúp bảo vệ trẻ khỏi nhiễm trùng. Đây cũng là thức ăn dễ tiêu hóa và tốt nhất cho trẻ. Một ống nhựa được đặt vào dạ dày của con bạn thông qua mũi hoặc miệng. Ống này sẽ giúp trẻ ăn sữa, cho đến khi trẻ có thể mút núm vú.

Trẻ sinh non rất dễ ọc sữa hay tím nếu như bạn không cho trẻ bú đúng cách. Vì thế, cần bảo đảm tư thế bú đúng. Hơn nữa là ngậm bắt vú tốt nếu trẻ có thể bú trực tiếp vú mẹ. Cho trẻ nằm đầu cao, luôn bế trẻ lên khi cho bú. Có thể chia nhiều cữ sữa với số lượng ít. Bởi vì trẻ không có khả năng tiêu hóa lượng sữa nhiều như những trẻ đủ tháng.

2. Cơn ngưng thở

Ở một đứa trẻ sinh non, não là cơ quan điều khiển nhịp thở vẫn chưa đủ trưởng thành để giúp trẻ thở bình thường. Điều này có thể gây ra những đợt thở nhanh, thở chậm hoặc ngưng thở trong thời gian ngắn. Cơn ngưng thở sinh lí thường kết thúc sau vài tuần. Nếu cơn ngưng thở kéo dài làm trẻ tím hay chậm nhịp tim, đó được xem là mức độ nặng. Khi đó, trẻ cần phải được nhập viện điều trị và theo dõi sát. Nếu con bạn không thở hoặc môi trẻ có vẻ nhợt nhạt hay hơi xanh, bạn hãy thực hiện một số kích thích nhẹ nhàng như vỗ lưng, xoa cánh tay hoặc chân của trẻ trong thời gian đưa trẻ đến bệnh viện.

3. Khám mắt và đo thính lực

Ở một số trẻ sinh non, các mạch máu bất thường có thể bắt đầu phát triển bên trong mắt. Đây được gọi là bệnh lí võng mạc ở trẻ sinh non. Nếu tổn thương nghiêm trọng có thể gây bong võng mạc và mất thị lực hoàn toàn nếu không điều trị. Tùy vào tuần tuổi thai lúc trẻ sinh ra, con bạn sẽ được kiểm tra mắt vào thời điểm trẻ được 3 đến 4 tuần tuổi. Quan trọng là bạn cần đưa trẻ đến tái khám đúng ngày theo hẹn của Bác sĩ.

Trong vài năm đầu đời, thính giác là một phần quan trọng cho sự phát triển về cảm xúc và nhận thức của trẻ. Ngay cả mất thính lực nhẹ hoặc một phần cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng phát triển ngôn ngữ của trẻ. Yếu tố nguy cơ có thể gây giảm hay mất khả năng nghe ở trẻ sơ sinh bao gồm:

Sinh non.

Đã tiếp xúc với âm thanh hoặc tiếng ồn rất lớn, thậm chí trong thời gian ngắn.

Trẻ có những bệnh lí nặng khác như vàng da, viêm màng não …

Trẻ sơ sinh nên được kiểm tra thính giác trước khi xuất viện. Hoặc trong vòng 3 tháng đầu đời, để có thể kịp thời can thiệp và cải thiện thính giác cho trẻ.

4. Chăm sóc tại nhà

4.1 Giới hạn số người đến thăm trẻ

Các chuyến thăm của người thân trong nhà nên được hạn chế trong vài tuần đầu tiên. Đặc biệt là nếu trẻ được xuất viện trong những tháng mùa mưa. Việc tiếp xúc với nhiều người ở nhiều môi trường sống khác nhau có thể tiềm ẩn nguy cơ nhiễm trùng đối với trẻ. Bản thân trẻ sinh non rất dễ bệnh vì sức đề kháng yếu. Bất kỳ ai bị bệnh không nên đến thăm, không nên để ai hút thuốc trong nhà của bạn. Lưu ý với tất cả khách đến thăm nên rửa tay trước khi chạm vào con bạn. Ngoài ra, bạn cũng không nên đưa trẻ đến những nơi công cộng.

4.2 Đặt trẻ ngủ ở tư thế nằm ngửa

Trẻ sơ sinh trong giai đoạn này chỉ có hai vấn đề quan trọng là ăn và ngủ. Vì thế, sau mỗi cữ sữa, trẻ sinh non có thể ngủ nhiều hơn trẻ đủ tháng. Tất cả trẻ sơ sinh, bao gồm cả trẻ sinh non, được khuyến cáo nên được nằm ngửa khi ngủ để giảm nguy cơ bị hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS) .

4.3 Thực hành chăm sóc kangaroo

Địu con phía trước ngực theo kiểu kangaroo là sự tiếp xúc da kề da giữa mẹ và trẻ. Hầu hết trước khi xuất viện, Bác sĩ có thể hướng dẫn cho bạn cách chăm sóc này. Trong một căn phòng ấm áp và yên tĩnh ở nhà, chỉ cho trẻ mặc tã. Sau đó, đặt trẻ lên ngực và xoay đầu trẻ sang một bên. Nghiên cứu cho thấy chăm sóc kangaroo có thể tăng thêm tình cảm giữa cha mẹ và con cái. Nhất là thúc đẩy việc nuôi con bằng sữa mẹ và cải thiện sức khỏe của trẻ. Sự tiếp xúc da kề da có thể được thực hiện bởi người cha hay những người thân khác trong gia đình như ông bà. Một phương pháp không chỉ đơn giản mà còn rất có lợi đối với trẻ.

Bác sĩ : Huỳnh Nguyễn Uyên Tâm