Thịnh Hành 5/2024 # Ngụ Ngôn Chấm Hỏi Chấm Than # Top 8 Yêu Thích

Ngụ ngôn chấm hỏi chấm than

Bình Vương

Qua nhiều tình tiết hài hước đáng suy ngẫm của câu chuyện cười dân gian này, người nghe hiểu rằng không ai tán thưởng hay đề cao cái sự dốt. Rể em có học mà bị thất thế là do chàng tuy hiểu biết nhưng chữ còn… lỏng, cộng thêm bị lấn áp, không có cơ hội lập luận giải thích cho thấu đáo trọn vẹn nên không thắng nổi cái lý lẽ cực kỳ giản đơn mà chắc nịch: “Trời sinh ra thế!”.

Lại có câu chuyện nay, kể về người nọ chẳng may đánh mất dấu phẩy, sự tình khiến anh ta trở nên sợ những câu phức tạp và chỉ tìm đến những câu đơn giản, những ý nghĩ đơn giản. Sau đó, anh ta lại làm mất dấu chấm than nên đành nói năng nhẹ nhẹ đều đều, không có ngữ điệu, không rõ là sung sướng hả hê hay bức xúc phẫn nộ gì cả. Rồi đến khi anh ta đánh mất dấu chấm hỏi thì mọi sự kiện xảy ra dù ở gần hay xa, ở ngay trong nhà mình hay giữa bao la trời đất, anh ta đều không nhận thức hiểu biết bởi vì khả năng học hỏi không còn nữa… Cuối cùng, anh ta chỉ còn lại dấu ngoặc kép để trích dẫn lời của người khác chứ không nêu được ý kiến nào của riêng mình. Nghĩa là anh ta hoàn toàn quên mất cách tư duy.

Trong chuyện anh chàng “mất dấu”, có lẽ cái lần đánh mất dấu chấm hỏi là tai hại nhất, đáng tiếc nhất; nếu không thì với sự kiên trì qua năm tháng, anh ta rồi sẽ khôi phục được tất cả. Giống như một đứa trẻ từ “tay trắng” trong nhận thức sẽ từng ngày một khám phá, học hỏi, từng bước hiểu biết thế giới tự nhiên và xã hội chung quanh để trở nên một con người trưởng thành.

Xin nhấn mạnh hai chữ có lẽ ở trên. Bởi vì trong tư duy ngôn ngữ thể hiện ra chữ viết của con người, việc dùng cho chính xác và cho đắt những dấu chấm than, dấu ngoặc kép hay các loại dấu khác, thật không hề đơn giản. Tuy nhiên, nếu như con người là “cây sậy biết suy nghĩ” như một triết gia bên trời Tây đã nói, thì biểu hiện đó trước hết chính là ở chỗ con người biết dùng dấu chấm hỏi, tức là biết từ quan sát mà đặt ra những câu hỏi để rồi tìm được câu trả lời, hoàn tất một sơ đồ hình thành lý trí.

Các bậc phụ huynh đã từng hoặc đang nuôi dạy con em mình thuở chúng còn thơ, chắc hẳn không ít lần phải bật cười, và kèm theo có thể là lúng túng, trước hàng “dây” câu hỏi ngây ngô bất ngờ của trẻ nhỏ. Với những câu hỏi mà người Nam bộ gọi là dần lân này, nếu ta không tìm được câu trả lời nào cho phù hợp với độ tuổi đầu óc còn non nớt, thì cách duy nhất là ta gạt phắt đi cái nhu cầu muốn hiểu biết đầu đuôi gốc ngọn của con em mình. Hữu hiệu tức thời chính là đáp án đã dẫn: “Trời sinh ra thế!”. Chu đáo ân cần hơn nữa thì thòng thêm câu: “Mai này lớn lên rồi con (em) sẽ hiểu”…

Nhưng cái “mai này” ấy, biết khi nào sẽ tới được, nếu thiếu đi những câu hỏi, những dấu chấm hỏi? Tiếng Việt mình có cặp từ học hỏi, học vấn rất thú vị. Học là… học, vấn là hỏi, nhưng học hỏi khác học vấn – trước hết, một bên mang tính chất động từ, một bên là danh từ. Học hỏi tạo ra học vấn. Muốn học phải hỏi, hỏi để tìm biết đặng tích lũy bồi đắp kiến thức. Thế nhưng trường đời mênh mông còn có vô vàn những sự hỏi khác nữa. Hỏi để thăm dò một thái độ, hay để trắc nghiệm, đánh giá về một đối tượng, để nắm bắt một sự kiện, sự vật nào đó chẳng hạn. Vậy nên mới sinh ra các khái niệm như phỏng vấn, chất vấn, thẩm vấn, đối chất… với những kỹ năng phức tạp được nâng lên thành nghệ thuật, điều mà các tuyển trạch viên hay điều tra viên, kiểm sát viên rành hơn ai hết. Trong lĩnh vực báo chí có chức danh phóng viên (reporter), đúng theo nguyên nghĩa Hán Việt phải viết “phỏng viên”, tức là người của tòa báo chuyên nghề đi hỏi tin, hỏi ý. Lĩnh vực tư pháp có nghề luật sư mà dân gian ngày trước gọi là “thầy cãi”, chuyên đưa ra những dẫn chứng, những lập luận và những câu hỏi phản biện lại quan tòa. Hỏi xuôi, hỏi ngược, hỏi cho ra lẽ, hỏi cho ra sự thật, ra chân lý – thật là thiên hình vạn trạng những câu hỏi, cách hỏi.

Cái anh chàng hậu đậu nọ vẫn có thể yên phận sau khi đánh mất các dấu chấm câu, để rồi cuộc đời anh ta cứ thế mà đi về dấu chấm hết. Và những người “Trời sinh ra thế” thì vẫn hồn nhiên sống, hồn nhiên truyền cho hậu duệ cái đơn giản nhìn nhận sự đời. Vùng đất Nghệ Tĩnh nổi tiếng địa linh nhân kiệt là thế, vậy mà dân gian nơi đây đã từng đúc kết: “Ngu si hưởng thái bình”. Câu tục ngữ có từ xưa, sau này ít được nhắc đến, nghe phũ phàng nhưng nói lên một thực tế lịch sử.

Với một người hay nhiều người, thậm chí nhiều nhóm người, có thể chấp nhận thực tế đó. Nhưng cả dân tộc, cả cộng đồng xã hội mà lâm vào tình cảnh bị “ngu si hóa” thì tương lai sẽ ra sao?

Chẳng trách chi, thi sĩ Tản Đà trong bài Mậu Thìn xuân cảm viết tại Xóm Gà, Sài Gòn năm 1928 đã hạ bút hai câu thơ nổi tiếng: “Dân hai nhăm triệu ai người lớn/Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con”.

Dân số nước mình nay đã sắp lên trăm triệu, xã hội và thời thế đã bội phần phức tạp hơn. Hai câu thơ nhắc lại vẫn còn ghim những dấu chấm hỏi và chấm than đau đáu…