Xu Hướng 5/2024 # Ý Nghĩa Quốc Kỳ Và Quốc Huy Nước Việt Nam Hiện Nay # Top 5 Yêu Thích

Quốc kỳ Việt Nam là lá cờ đại diện cho nước Việt Nam thống nhất. Lá cờ có hình chữ nhật, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh. Nền cờ đỏ tượng trưng cho cách mạng, màu vàng là màu truyền thống tượng trưng cho dân tộc Việt Nam, và năm cánh sao tượng trưng cho năm tầng lớp sĩ, nông, công, thương, binh cùng đoàn kết. Tuy nhiên, cũng có ý kiến khác cho rằng màu đỏ nền cờ tượng trưng dòng máu đỏ, màu vàng ngôi sao tượng trưng da vàng, và năm cánh tượng trưng cho sự đoàn kết các tầng lớp bao gồm sĩ, nông, công, thương, binh trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.

Quốc kỳ Việt Nam được công nhận từ năm 1976, sau khi Việt Nam thống nhất. Quốc hội khóa VI đã lấy quốc kỳ của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với vài sửa đổi nhỏ, làm quốc kỳ chính thức đại diện cho nước CHXHCN Việt Nam.

Định dạng chuẩn: Quốc kỳ Việt Nam hình chữ nhật, chiều rộng bằng 2/3 chiều dài, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh. Điểm giữa ngôi sao vàng đặt đúng điểm giữa (điểm giao nhau của hai đường chéo) quốc kỳ. Khoảng cách từ điểm giữa ngôi sao đến đầu cánh sao bằng 1/5 chiều dài quốc kỳ. Một cánh sao có trục vuông góc với cạnh dài quốc kỳ và hướng thẳng lên phía trên theo đầu cột treo quốc kỳ. Tạo hình ngôi sao: từ đầu cánh sao này đến đầu cánh sao đối diện là đường thẳng, không phình ở giữa, cánh sao không bầu. Hai mặt của quốc kỳ đều có ngôi sao vàng trùng khít nhau. Nền quốc kỳ màu đỏ tươi, ngôi sao màu vàng tươi.

Những giả thuyết về tác giả:

Nguyên mẫu của quốc kỳ Việt Nam hiện nay được ghi nhận xuất hiện lần đầu tiên trong cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ ngày 23/11/1940. Tuy nhiên, dù đã tồn tại hơn 70 năm nhưng tác giả của lá cờ vẫn không được xác định một cách chính xác.

Mấy chục năm qua, các phương tiện thông tin đại chúng đều nói tác giả quốc kỳ là Nguyễn Hữu Tiến (Hà Nam). Trên website của Quốc hội và của Đảng cũng khẳng định như vậy. Nhưng tất cả đều dẫn nguồn về cuốn sách “Nguyễn Hữu Tiến” mang dấu ấn cá nhân của nhà văn Sơn Tùng năm 1981. Tuy nhiên không có tài liệu, văn kiện nào của Nhà nước trong các viện lưu trữ và bảo tàng chứng minh điều này. Năm 2001, Bộ Văn hóa – Thông tin đã xác nhận không đủ cơ sở chứng minh đồng chí Nguyễn Hữu Tiến là người vẽ lá cờ Tổ quốc.

Giả thuyết thứ hai do Tỉnh ủy Tiền Giang đề nghị gần đây, đặt lại vấn đề lịch sử và cho rằng ông Lê Quang Sô (Mỹ Tho) mới là tác giả quốc kỳ. Tư liệu của các nhà nghiên cứu và nhân chứng còn sống trong khởi nghĩa Nam Kỳ đều đưa ra những căn cứ rất thuyết phục nhưng không được cấp nhà nước chính thức công nhận. Như vậy, câu hỏi về tác giả lá cờ đỏ sao vàng cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời.

Quốc huy CHXHCN Việt Nam

Quốc huy Việt Nam hình tròn, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh tượng trưng cho lịch sử cách mạng của dân tộc Việt Nam và tiền đồ xán lạn của nước Việt Nam. Bông lúa vàng bao quanh tượng trưng cho nông nghiệp, bánh xe tượng trưng cho công nghiệp và chính giữa dải lụa phía dưới là dòng chữ tên nước “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Quốc huy Việt Nam hiện nay (nguyên thủy là quốc huy Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) được Quốc hội khóa I phê chuẩn năm 1955 từ mẫu quốc huy do Chính phủ đề nghị. Năm 1976, khi đất nước thống nhất, mẫu quốc huy được sửa đổi phần quốc hiệu.

Do những tranh chấp và nhầm lẫn về tác giả quốc huy suốt nhiều năm, Thủ tướng Phan Văn Khải đã chỉ đạo bộ Văn hóa – Thông tin thành lập tổ tư vấn để giám định tư liệu. Ngày 23/09/2004 Bộ Văn hóa – Thông tin đã thông báo kết luận khẳng định: “Mẫu quốc huy là một cống hiến chung của giới Mỹ thuật Cách mạng Việt Nam, trong đó phải kể đến công lao của họa sỹ Bùi Trang Chước – người đã vẽ những mẫu quốc huy để làm cơ sở lựa chọn, hoàn thiện và họa sỹ Trần Văn Cẩn – người đã chỉnh sửa hoàn thiện mẫu quốc huy theo ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo để trình Quốc hội phê duyệt”.

Mẫu quốc huy gốc với tên nước “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” được lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ quốc gia III (Bộ Nội vụ) với hai phụ bản in màu và in nét. Đáng tiếc là từ sau năm 1976 do thiếu những quy chuẩn về việc sử dụng và không được phổ biến rõ nên hiện nay đang có tình trạng hình quốc huy không đồng nhất. Hình quốc huy trên đồng tiền, các bằng cấp, huân – huy chương, sách báo, trang thông tin điện tử, trên các trụ sở cơ quan nhà nước… mỗi hình mỗi vẻ.

Nghiên cứu bản mẫu quốc huy chính thức chúng ta thấy về bố cục, tỉ lệ các hình tượng rất cân đối, hài hòa, vững chắc. Hình dáng, đường nét của các bông lúa, hạt lúa, ngôi sao, bánh xe răng cưa, dải lụa có tên nước Việt Nam được chắt lọc kĩ lưỡng nên rất sinh động, tượng trưng và chuẩn mực. Màu sắc của quốc huy được phối hợp mạch lạc, hài hòa giữa đỏ, vàng và nét nâu. Mẫu quốc huy Việt Nam hoàn chỉnh về hình thức, sâu sắc về nội dung, đã thể hiện cô đọng, súc tích về đất nước và dân tộc Việt Nam, với nền tảng công – nông nghiệp, với lý tưởng cách mạng và tinh thần đại đoàn kết, với khát vọng hòa bình và sự khẳng định chủ quyền thiêng liêng của quốc gia.

Hình quốc huy các bạn đang xem là mẫu quốc huy chính thức theo công văn 1790/BNV-TCBC của Bộ Nội vụ (ban hành 24/05/2013) gửi các cơ quan hành chính nhà nước về việc sử dụng thống nhất và đồng bộ mẫu quốc huy .

Nguồn:https://mattran.org.vn/home/DatnuocVN/VietNam/CHXHCNVN.htmhttps://tuoitre.vn/tin/van-hoa-giai-tri/20040929/mau-quoc-huy-la-cua-hs-bui-trang-chuoc-va-tran-van-can/49770.htmlhttps://thanhnien.vn/thoi-su/quoc-huy-viet-nam-ngay-ay-va-bay-gio-196173.html

— Sưu tầm và tổng hợp —