Xem Nhiều 5/2024 # Táo Tàu Chữa Bệnh Gì Và Nên Dùng Táo Đen Hay Táo Đỏ? # Top 0 Yêu Thích

Táo Tàu, đại táo, táo Bắc, táo đen, táo đỏ, hồng táo, hắc táo… thực chất là mấy loại và có thể chữa bệnh gì? Khi nào nên dùng loại nào?

Táo Tàu (táo Bắc, đại táo)

Nghe tên gọi, có lẽ bạn cũng đã đoán ra nguồn gốc của loại táo này rồi, phải không ạ?

Mặc dù táo Tàu được trồng ở nhiều nơi trên thế giới nhưng Trung Quốc lại là nước gắn liền với tên gọi của nó. Được biết, Trung Quốc là quê hương của các loại táo (với hơn 400 loại), trong đó nhiều loại cho sản lượng cao và chất lượng rất tốt.

Trong nhiều năm qua, phần lớn lượng táo Tàu ở Việt Nam đều được nhập từ Trung Quốc, vì vậy mà nó còn được gọi là táo Bắc. Thời gian gần đây, táo Tàu được nhập thêm từ nhiều nguồn khác như Hồng Kông, Hàn Quốc…

Gọi là táo Tàu, táo Bắc, đại táo, hồng táo, hắc táo, táo đen hay táo đỏ… thì cũng vậy, cũng đều để chỉ quả của loài thực vật có tên khoa học là Ziziphus jujuba, thuộc họ Táo (1).

Táo đen và táo đỏ, loại nào tốt?

Trong các thang thuốc Bắc, bạn thường thấy một vài quả táo có màu đen, to và nhăn nheo nhưng ăn vào thì rất ngọt.

Đây là loại táo Tàu đã qua sơ chế bằng cách hun khói và thường được tẩm thêm dược liệu (bằng cách cho vào thùng gỗ có gai rồi quay cho lủng lỗ, sau đó ngào đường cùng với rễ con, thân và lá cây địa hoàng) để tăng dược tính (7).

Chính vì vậy, loại này thường được dùng kèm trong các thang thuốc Bắc với công dụng điều hòa các vị thuốc. Nó được gọi là “táo đen”, tức “hắc táo” (“hắc” là màu đen). Lúc còn nhỏ, mình rất thích lục lọi các thang thuốc Bắc của mẹ để ăn vụng mấy quả này.

Còn một loại thứ hai mà bạn thường thấy trong sâm bổ lượng, chè thập cẩm và các loại nước mát khác là “táo đỏ”, tức “hồng táo” (“hồng” có nghĩa là màu đỏ).

Đó là những quả táo có lớp vỏ màu nâu đỏ và lớp thịt hơi ngả vàng, ăn vào thì mềm xốp và ngọt thơm. Nếu vào tiệm thuốc Bắc mua táo để nấu các món ăn vừa bổ dưỡng, vừa trị bệnh thì chắc chắn bạn sẽ được giới thiệu loại táo này!

Nói tóm lại, cả hai loại này đều được gọi là táo Tàu (hay đại táo, táo Bắc), chúng có tác dụng tương đương và đều có thể ăn chơi hoặc dùng làm thuốc. Tuy nhiên, so với táo đỏ thì táo đen có dược tính cao hơn nhưng lại hơi có mùi thuốc. Chính vì vậy, táo đen thường được dùng trong các thang thuốc Bắc còn táo đỏ thì chuyên dùng trong các món ăn tẩm bổ, chữa bệnh (thực dưỡng).

Táo Tàu, quả to hay quả nhỏ là tốt?

Táo Tàu, về kích cỡ thì có loại quả nhỏ như chúng ta thường thấy nhưng cũng có loại quả to và dài (gấp 3, 4 lần quả nhỏ). Loại quả to này có màu sẫm hơn, xốp mịn, mềm và thơm ngọt hơn.

Mặc dù hai loại này đều có tác dụng tương tự nhưng theo Đông y, loại quả to, có màu tím đỏ thì thịt sẽ dày hơn và là loại tốt hơn. Tuy nhiên, thông thường người ta vẫn dùng loại quả nhỏ để nấu nước ngọt, nấu sâm bổ lượng vì nó được bán phổ biến hơn, giá rẻ hơn (tầm 80 – 100 k) và cũng dễ dùng hơn.

Gợi ý: Theo kinh nghiệm thì táo đỏ Hàn Quốc thơm ngon, thịt mềm, quả to và hạt nhỏ hơn. Nếu có điều kiện, bạn nên mua loại này (mức giá thường dao động từ 120 – 180 k).

Táo Tàu, dùng quả tươi, quả sấy giòn hay quả khô mềm?

Về độ ngon để ăn chơi thì quả táo tươi là ngon nhất vì vừa giòn lại vừa ngọt. Tuy nhiên, về màu sắc thì quả tươi trông không mấy bắt mắt (nhìn giống như đã bị úng). Hơn nữa, nếu bạn ở xa vùng trồng thì cũng khó mua được quả tươi.

Kế đến là loại quả đã sấy giòn (hút chân không nữa thì càng tốt) vì nó ngọt phao và giòn rộp. Hơn nữa, táo sấy giòn còn có mùi thơm đặc trưng của quả sấy, rất hấp dẫn.

Với loại này, bạn nào thích ngọt thì ăn đến mấy mươi quả cũng không thấy ngán vì càng ăn càng thơm, càng ăn càng ghiền mặc dù lời khuyên dành cho mọi người là chỉ nên ăn dưới 15 quả mỗi ngày. Với táo Tàu sấy giòn, có những quả rất cứng, nhai vào nghe một cái “rụp” thì tưởng như đã rụng răng!

Cuối cùng là táo phơi khô hoặc sấy khô mềm, loại này phổ biến nhất và thường dùng làm thuốc hay nấu các món thực dưỡng. Hiển nhiên, táo Tàu ở dạng này thì mềm hơn hai dạng kia nên dễ ăn hơn, nhất là với những người lớn tuổi.

Táo Tàu (táo đen, táo đỏ) được dùng để chữa bệnh gì?

Bên cạnh đó, táo Tàu còn được biết đến là vị thuốc:

Điều hòa khí huyết.

Bồi bổ tỳ vị, giúp ăn ngon.

Nhuận phổi, điều trị ho.

Sinh tân dịch và điều hòa doanh vệ.

Tốt cho tim, điều trị thiếu máu.

Điều trị rối loạn thần kinh, dễ cáu gắt.

Giúp ngủ ngon và dễ đi vào giấc ngủ.

Điều trị tiêu hóa kém, tiêu chảy và kiết lỵ.

Điều hòa các vị thuốc khác trong cùng thang thuốc.

Bảo vệ gan (theo Tây y)…

Dùng táo Tàu như thế nào?

Cách dùng táo Tàu tiện lợi nhất là ăn không hoặc sắc lấy nước uống, liều lượng từ 6 – 15 g quả mỗi ngày (hoặc từ 5 – 10 quả).

Nếu không dùng thuốc sắc, bạn có thể lấy táo Tàu ngâm rượu uống, tuy nhiên, cách này ít được dùng và cũng có một số kiêng kị nhất định về đối tượng. Ngoài ra, bạn cũng có thể lấy táo Tàu móc bỏ hạt rồi lấy phần thịt làm thành dạng viên để uống (cách này thì tốn công hơn) (2) (3).

Trên thực tế, táo Tàu thường được kết hợp với nhãn nhục, kỷ tử hoặc các vị khác tùy tình trạng bệnh.

Thành phần dinh dưỡng trong táo Tàu, táo Tàu (đại táo) chứa bao nhiêu calo?

Trong 100 g quả táo Tàu tươi  có 77, 86 g nước, 20, 23 g đường, còn lại là các chất đạm, chất béo, vitamin (A, B1, B2, B3, B6, C) và khoáng chất (Can xi, Sắt, Magie, Mangan, Phot pho, Ka li, Na tri, Kẽm…). Mức năng lượng trong 100 g quả tươi là 79 kcal.

Ở dạng khô, 100 g quả táo Tàu có mức năng lượng khá cao: 287 kcal, với 73, 6 g đường và 19, 7 g nước (theo Wikipedia) (4).

Các bài thuốc tham khảo

1. Điều trị giảm tiểu cầu trong công thức máu: lấy 30 g táo Tàu và nửa lá sen, sắc lấy nước uống (3).

2. Điều trị dị ứng, ngứa và nổi mẩn ngoài da: dùng 60 g táo Tàu và 60 g cam thảo, sắc lấy nước uống (3).

3. Điều trị cam tẩu mã ở trẻ em: lấy 1 quả táo Tàu và 6 g hoàng bá, đốt thành than rồi tán nhỏ, xát vào răng và chỗ lở loét (6).

Cần lưu ý gì khi dùng táo Tàu (táo đen, táo đỏ) chữa bệnh?

1. Kiêng kị: Có tài liệu cho rằng ăn táo Tàu cùng với hành sẽ tổn thương ngũ tạng và ăn táo Tàu với cá sẽ gây đau bụng, đau lưng. Vì vậy, tốt nhất là chúng ta nên tránh những sự kết hợp này (3).

2. Đối tượng cần tránh: Những người thấp nhiệt, khí trệ, bụng đầy trướng không nên dùng táo Tàu.(3) (5). Ngoài ra, những người đang bị nhiệt gây đau răng và đờm cũng không nên dùng (6).

3. Bảo quản: Táo Tàu dễ bị sâu mọt và các côn trùng phá hoại, vì vậy, cần chú ý trong lưu trữ.

4. Tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi dùng.

Facebook Cây hoa lá: https://www.facebook.com/cayhoalacom

Tư liệu tham khảo

Táo Tàu, https://vi.wikipedia.org/wiki/T%C3%A1o_t%C3%A0u , truy cập 23/11/2024.

Nhiều tác giả, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam

, t1, NXB Khoa học và kỹ thuật, năm 2004, trang 730.

Phạm Thiệp – Lê Văn Thuần – Bùi Xuân Chương, Cây thuốc bài thuốc và biệt dược, NXB Y học, 2000, trang 84.

Jujube, https://en.wikipedia.org/wiki/Jujube , truy cập 23/11/2024.

Đại táo, http://baophuyen.com.vn/portals/0/quangcao/tracuudongduoc/TUDIEN/THUOC/DAITAO.HTM , truy cập 23/11/2024.

Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, trang 908.

Đại táo, https://thuocdantoc.vn/duoc-lieu/dai-tao, truy cập 23/11/2024.