Phổ Biến 5/2024 # Mang Ý Nghĩa Khoa Học Và Thực Tiễn Cao # Top 7 Yêu Thích

Sau 3 năm triển khai thực hiện (2008-2010), tháng 6-2011, Đề tài nghiên cứu khoa học “Sưu tầm, bảo tồn, nghiên cứu phục hồi và phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc Raglai trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa” do Thạc sĩ Nguyễn Hữu Bài – nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch tỉnh làm chủ nhiệm đã được Sở Khoa học – Công nghệ nghiệm thu và xếp loại xuất sắc. Đề tài không chỉ sưu tập được nhiều tài liệu gốc, hiện vật quý có ý nghĩa khoa học và thực tiễn, mà còn đưa ra những giải pháp khả thi nhằm bảo tồn, phục hồi và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống (VHTT) của người Raglai.

. Tính cấp thiết của đề tài

 

Bộ đàn đá của dân tộc Raglai.

Trên địa bàn tỉnh, người dân tộc Raglai chỉ chiếm 3,4% dân số, sống tập trung chủ yếu ở hai huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh. Trước đây, nhiều tác giả đã nghiên cứu về văn hóa của người Raglai như: Công trình “Người Raglai ở Việt Nam” của Nguyễn Tuấn Triết; đề tài “Văn hóa và xã hội người Raglai” của nhóm nghiên cứu Phan Xuân Biên, các công trình sưu tập luật tục, sử thi Raglai của Phan Đăng Nhật, Phan Đăng Kính… Tuy nhiên, phần lớn các công trình trên chỉ nghiên cứu và phản ảnh từng mảng đơn lẻ, thiếu tính hệ thống và giải pháp bảo tồn, phát huy những giá trị VHTT của người Raglai. Trong khi đó, VHTT của người Raglai trên địa bàn tỉnh mang nhiều nét đặc thù khác biệt. Do vậy, tính cấp thiết là đòi hỏi phải có một công trình nghiên cứu mang tính tổng thể, hệ thống và logic về các giá trị văn hóa của người Raglai ở Khánh Hòa.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Bài – chủ nhiệm đề tài cho biết: “Những giá trị VHTT của người Raglai như: tập tục cúng tế, hát kể, hát khan, ca dao, tục ngữ… chỉ có những người già, nghệ nhân lớn tuổi mới biết và nắm rõ. Tuy nhiên hiện nay, số lượng người già cũng như những nghệ nhân lớn tuổi của dân tộc Raglai còn rất ít, chỉ khoảng hơn chục người. Vì vậy, nếu không kịp thời tiến hành nghiên cứu, sưu tầm thì chắc chắn phần lớn những giá trị VHTT sẽ mất đi vĩnh viễn”. So với những giá trị truyền thống lâu đời của dân tộc Raglai, những giá trị văn hóa còn gìn giữ được đến ngày nay đã thay đổi, biến dạng rất nhiều từ kiến trúc nhà ở, phục trang, đồ trang sức, dụng cụ sinh hoạt, nhạc cụ… Nếu không được tiếp tục bảo tồn, phát huy thì những giá trị văn hóa đó sẽ mai một cùng với sự phát triển ngày càng nhanh của lối sống hiện đại.

. Mang tính thực tiễn cao

Tham quan phòng trưng bày hiện vật của đề tài, chúng tôi mới thấy hết được thành quả và công sức của nhóm tác giả. Các sản phẩm văn hóa vật thể và phi vật thể truyền thống của người dân tộc Raglai được trưng bày rất phong phú và đa dạng: 3 bộ cồng chiêng; 2 bộ đàn đá; sáo tacung, salaken, 57 tài liệu; 350 đĩa CD ghi hát kể, ca dao, tục ngữ, 100 ảnh tư liệu… Ngoài ra, nhóm tác giả còn phục dựng nghi lễ mừng lúa mới, lễ bỏ mả, dựng lại mô hình nhà ở truyền thống của người Raglai, khắc họa đời sống sinh hoạt bằng tranh sơn dầu…

Để có được thành quả trên, 15 thành viên trong nhóm tác giả đã phải nghiên cứu và sưu tầm suốt 3 năm. Nhóm tác giả đã sử dụng nhiều phương pháp nghiên cứu như: khảo sát điền dã, điều tra, kết hợp với phương pháp thống kê, chuyển khảo, đối chiếu so sánh… Ngoài ra, phương pháp nghiên cứu liên ngành, phỏng vấn trực tiếp, hồi cố, xác lập lý lịch khoa học… cũng được nhóm tác giả áp dụng để có cơ sở nắm bắt, thu thập tư liệu và phản ánh trung thực diện mạo văn hóa vật thể và phi vật thể của người Raglai. Tuy phải đi đến những vùng rừng núi, nơi có người Raglai sinh sống, khó khăn về giao thông, ngôn ngữ nhưng mỗi thành viên trong nhóm đều cố gắng hoàn thành tiến độ nghiên cứu, và quan trọng hơn là đã tìm kiếm được nhiều tài liệu gốc, có ý nghĩa.

Tại hội nghị báo cáo nghiệm thu đề tài, 3 báo cáo chuyên đề của nhóm nghiên cứu gồm: Tổng quan về tổ chức xã hội của người Raglai; văn hóa vật thể; văn hóa phi vật thể đã được Hội đồng Khoa học cấp tỉnh đánh giá cao và xếp loại xuất sắc. Quan trọng hơn, từ những thực trạng đáng lo ngại về sự mai một các giá trị VHTT của dân tộc Raglai, nhóm nghiên cứu đã có nhiều kiến nghị, giải pháp cụ thể để gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa đó. Những giải pháp mang đậm tính thực tiễn và hệ thống như: Việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước đối với dân tộc thiểu số; gìn giữ lối kiến trúc nhà ở truyền thống, trang phục, tiếng nói, chữ viết, luật tục, nghi lễ văn hóa… cũng được Hội đồng Khoa học ghi nhận.

Được biết, các báo cáo chuyên đề cũng như những tài liệu, hiện vật mà nhóm tác giả đã thu thập sẽ được đề nghị với UBND tỉnh in thành sách để phổ biến rộng rãi đến công chúng. Đây cũng là một giải pháp thiết thực nhằm gìn giữ, bảo tồn những giá trị VHTT của dân tộc Raglai – một tộc người có số dân đông nhất trong 31 dân tộc thiểu số đang sinh sống trên địa bàn tỉnh.

HOÀNG DUNG