Xu Hướng 5/2024 # “Đây Là Con Yêu Dấu Của Ta, Ta Hài Lòng Về Người” # Top 4 Yêu Thích

“Mặt Người chiếu sáng như mặt trời”.

Trong phụng vụ Chúa Nhật thứ hai Mùa Chay này, Giáo Hội cho chúng ta chia sẻ phần nào tâm tư của Chúa Giêsu và ba môn đệ Phêrô, Gioan và Giacôbê, là những người đã được Chúa Giêsu kêu gọi đầu tiên và cũng là những người được Chúa Giêsu đem theo vào vườn Giệtsêmani để cầu nguyện trước khi Ngài bước vào cuộc Thương Khó. Với tâm hồn tinh tế ưu ái, Chúa Giêsu biết rõ tâm tính của các học trò mình, Người biết họ vốn là những ngư phủ chất phác, nhiệt tình nhưng khá bộp chộp.

Họ hăng say đi theo Người, hết lòng cộng tác vào sứ mệnh của Người, nhưng cũng từng có những phản ứng nóng nảy, bộc phát. Trong các câu chuyện kể của Tin Mừng, chúng ta thấy không ít lần Simon Phêrô nhanh nhẩu thay mặt các đồng bạn trả lời câu hỏi của Chúa Giêsu, cho dù các lời ấy có thể làm Thầy mình buồn lòng. Thậm chí, trong một lần cản ngăn Chúa Giêsu về việc Người sẽ tự nguyện lên Giêrusalem để chịu khổ hình, và Phêrô lúc đó đã bị Chúa Giêsu quở trách nặng lời như sau: “Satan, lui lại đàng sau Thầy, con cản lối Thầy, vì tư tưởng của con không phải là tư tưởng của Thiên Chúa mà của loài người”. Còn hai ông Gioan và Giacôbê thì cũng bộp chộp không kém, vì tính nóng nảy, hai ông đã được Chúa Giêsu đặt biệt hiệu là con của thiên lôi.

Hai ông đã bị Chúa Giêsu khiển trách vì đã muốn cho lửa từ trời xuống thiêu hủy những người Samari không chịu tiếp đón Người. Vì biết rõ tâm tính của các ông, nên sau khi tiên báo lần thứ nhất về cuộc Thương Khó của mình, Chúa Giêsu đã đem riêng các ông theo Người lên núi cầu nguyện và cho các ông chứng kiến vinh quang của Người. Ngay cả trong bài Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe đọc hôm nay, ba ông vẫn còn nguyên vẹn tính chất phác của mình, nên khi Chúa Giêsu chuyên tâm cầu nguyện thì các ông lại vô tư nằm ngủ, và Chúa Giêsu vẫn để cho các ông ngủ say.

Khi các ông bừng tỉnh thì một khung cảnh huy hoàng đã bao trùm lấy các ông, các ông được chiêm ngưỡng Chúa Giêsu trong vẻ vinh quang sáng lạn của Người; có ông Môsê và ông Êlia xuất hiên để làm chứng rằng Người là Đấng Thiên Sai mà Kinh Thánh đã loan báo. Quá kinh ngạc vì cảnh tượng huy hoàng trước mắt, Phêrô đã nói như trong cơn mê sảng, kế đó ông lại được đám mây biểu hiện sự có mặt của Thiên Chúa bao trùm và được nghe tiếng Chúa Cha xác nhận Chúa Giêsu là Con Yêu Dấu của Ngài.

Chúng ta tin rằng Chúa Giêsu đã phục sinh vinh hiển, nhưng dường như Người ở tận trên thiên cung xa vời. Còn chúng ta thì cứ loay hoay mãi với những chuyện đời thường nơi chốn trần gian này. Tâm trạng của chúng ta cứ buồn buồn sao ấy. Thật ra, chúng ta không chỉ quẩn quanh với những thăng trầm thế sự mà thôi. Hiện giờ, Chúa Giêsu cũng quan tâm đến mỗi người chúng ta, như Người đã từng quan tâm đến các môn đệ như Phêrô, Gioan và Giacôbê ngày xưa.

Người biết rõ tâm tính của mỗi người chúng ta với những ưu điểm và khuyết điểm của từng cá nhân, bằng những cách thế khác nhau. Qua những sự kiện và những dấu chỉ khác nhau, Người cũng cho chúng ta chia sẻ những giây phút vinh quang, hoan lạc của Người, để tỏ lộ cho chúng ta đại cuộc cứu độ của Người và giúp chúng ta vững bước trên đường sống đạo. Nếu chúng ta không nhận ra những lúc Người tỏ mình như thế, có thể vì chúng ta chưa đủ bén nhạy trong đời sống đức tin, hoặc vì chúng ta không nghĩ rằng mình được Chúa Giêsu ưu ái quan tâm đến thế.

Quả thật, Chúa Kitô Phục Sinh vẫn thường xuyên đến với mỗi người chúng ta dù không rực rỡ ánh hào quang như lúc tỏ lộ cho ba môn đệ ngày xưa, nhưng vẫn đủ để tạo ra những dấu ấn có sức củng cố đức tin của chúng ta. Đại thi hào Tagore đã viết về điều này trong tác phẩm “Lời Dâng” như sau:

“Anh không nghe thấy ư?

Bước chân Người thầm lặng

Người tới, tới và luôn luôn thường tới

Người tới, tới và luôn luôn thường tới

Hàng giờ, hàng đêm, hàng ngày, hàng thời đại, anh ơi”.

Lạy Chúa Giêsu, trong cuộc sống đời thường của con, Chúa dùng muôn vàn phương cách để tỏ lộ cho con vinh quang của Ngài, nhưng nhiều lúc con chẳng nhận ra. Xin Chúa ban cho con đôi mắt biết rộng mở, đôi tai biết lắng nghe và tâm hồn biết thinh lặng để nhận ra Chúa. Xin cho con biết lưu giữ những kỷ niệm về những lần con gặp Chúa để mỗi khi gặp cơn sóng gió trong đời, con hồi tưởng lại những kỷ niệm tuyệt vời ấy mà vững tâm sống đạo.

(‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’ – Radio Veritas Asia)

Con đường thập giá, con đường vinh quang

Tuần trước chúng ta đã cùng với Chúa Giêsu lên núi để chịu ma quỷ cám dỗ. Đáng tiếc cho ma quỷ là nó không làm gì được Chúa Giêsu. Chỉ vì Người một mực chọn và làm theo lời dạy của Chúa Cha. Chúa Nhật hôm nay chúng ta tiếp tục cùng ba môn đệ theo Chúa Giêsu lên núi. Nếu như tuần trước chúng ta thấy Chúa Giêsu có vẻ yếu đuối bao nhiêu thì hôm nay Người trở nên mạnh mẽ oai quyền bấy nhiêu. Chúa Giêsu đã trở về tình trạng vinh quang của Người: “Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng” (Mt 17, 2b).

Với vinh quang này, ba môn đệ cảm thấy rất thích nên Phêrô đã không ngần ngại thưa: “Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay!” (Mt 17, 4b). Liền sau đó là tiếng Chúa Cha từ đám mây phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!” (Mt 17, 5b).

Chúa Cha rất hài lòng về Chúa Giêsu. Vì Người đã vui lòng đón nhận con đường mà Chúa Cha đã vạch sẵn cho. Con đường ấy chính là con đường thập giá. Cũng chính con đường thập giá ấy mới là con đường vinh quang đích thật. Và rồi Chúa Cha cũng muốn mời gọi ba môn đệ và tất cả chúng ta hãy đi theo con đường Thập giá cùng với của Thầy mình.

Chúa Giêsu cũng là Thiên Chúa thật nên vinh quang mà chúng ta chiêm ngưỡng là điều bình thường. Điều đáng nói là vì thương và vì muốn đem lại ơn cứu độ cho con người chúng ta, nên Chúa Giêsu đã đón nhận con đường thập giá ấy. Chúng ta thấy không bao giờ Chúa Giêsu kêu gọi người ta làm gì mà chính Người đã không làm trước.

Chẳng hạn khi Người kêu gọi hãy tha thứ thì chính Người cũng đã tha thứ cho những kẻ đã bắt bớ, đã sỉ nhục mình: “Lạy Cha xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm”. (Lc 23, 34. Cho nên, nếu Chúa Giêsu đã đi con đường thập giá thì những ai muốn theo Người không thể đi đường khác được. “Ai muốn theo Thầy thì hãy từ bỏ chính mình vác thập giá mình mà theo Thầy” (Mt 16, 24 ).

Vậy đâu là con đường thập giá. Đó là con đường từ bỏ những ý riêng của mình mà sống theo thánh ý Chúa Cha. Bài đọc 1 cho thấy ông Abram được Thiên Chúa mời gọi: “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi” ( St 12, 1b). Thật là một lời mời gọi hết sức vô lý theo cái nhìn của chúng ta. Tuy nhiên, ông đã vâng lời Chúa để ra đi mà không một lời phàn nàn. Nhờ đó mà ông đã trở thành Tổ phụ của nhiều dân tộc.

Hằng ngày trong cuộc sống chắc chắn có rất nhiều điều trái ý nhưng nếu biết đó là thánh ý Chúa Cha, chúng ta hãy tin tưởng mà bước đi. Bước đi như thế là chúng ta đang đi theo Chúa Giêsu – vị Thầy Chí Thánh của chúng ta. Bước theo con đường thập giá cũng chính là con đường vinh quang.

CHIÊM NGẮM VINH QUANG THẦN TÍNH CHÚA TIỀN PHỤC SINH.

(Lm. Giuse Nguyễn Thành Long)

Trận siêu động đất và sóng thần hôm 11.3 vừa qua đã làm cho Nhật Bản, một đất nước từng thịnh vượng thứ hai thế giới, phải chao đảo. Nhiều thành phố hoang tàn đổ nát; một số thị trấn bị xoá sổ; nhiều người mất nhà cửa, tài sản, người thân, lang thang trong vô vọng.

Chỉ trong phút chốc tất cả đều bị thuỷ thần cuốn phăng ra biển. Các bản tin liên tục cập nhật con số thương vong theo chiều hướng ngày một tăng làm cho nhiều người choáng váng. Đặc biệt là tin tức dự báo về các dư chấn mạnh sẽ còn xảy ra nhiều trong thời gian sắp tới, cũng như tin về mức độ phát tán chất phóng xạ nguy hiểm trong không khí từ các lò phản ứng hạt nhân bị nổ hay bị hư hỏng…

Tất cả đã tạo ra một bầu khí hoang mang và ảm đạm bao trùm toàn thể nước Nhật, kể cả thủ đô Tokyo, một thành phố hiện đại bậc nhất của xứ sở Hoa Anh Đào. Đối diện với hiểm nguy rình rập từ các vụ dư chấn, nhất là phóng xạ hạt nhân, các du học sinh sinh viên và kiều bào nước ngoài sinh sống tại Nhật đã phải tìm cách tháo chạy khỏi nước Nhật càng sớm càng tốt. Còn người dân bản xứ cảm thấy hoang mang và lo sợ não nề.

Trước lời loan báo về viễn tượng đen tối của cuộc thương khó Chúa Giêsu, tâm trạng của các môn đệ có lẽ cũng hoang mang và lo sợ não nề không kém người dân Nhật hiện nay. Lo sợ vì khi Chúa Giêsu cho biết Ngài sẽ phải đương đầu với sự bắt bớ, bách hại, các ông không còn nhìn thấy được đâu là đấng cứu tinh mà muôn dân đang trông đợi.

Hoang mang vì khi sắp sửa phải đối mặt với thập giá Chúa Giêsu, các ông chẳng còn nhận ra được đâu là thần tính của đấng mà các ông nhiều lần gọi là Chúa. Não nề vì khi chạm trán với viễn tượng chết chóc, các ông chẳng còn hình dung được đâu là sự sống đời đời mà Thầy mình đã từng cao rao.

Hiểu rõ nỗi lòng của các môn sinh, Chúa Giêsu đã khéo léo đưa họ lên núi để họ được chiêm ngưỡng một biến cố đặc biệt đầy ý nghĩa, biến cố mở ra cho họ một viễn tượng mới tràn đầy hy vọng: Biến Cố Hiển Dung.

Hiển dung, biến cố chứng thực cho sự sống sau cái chết.

Quan niệm của người Dothái về sự sống lại, và sự sống sau cái chết vẫn còn có nhiều bất đồng và mơ hồ. Thậm chí nhóm Sađốc còn chủ trương không tin là có sự sống lại. Tuy nhiên, trong biến cố hiển dung, sự xuất hiện rạng ngời vinh hiển của hai nhân vật quá cố thời Cựu ước xa xưa là Môisê và Êlia, như một bằng chứng hiển nhiên và chắc chắn nói cho các môn đệ rằng có sự sống lại và sự sống sau cái chết.

Nói cách khác, qua biến cố hiển dung, Chúa Giêsu muốn nói với các môn đệ rằng các ông cứ tin tưởng có thế giới bên kia, nơi mà hai vị đại ngôn sứ đang sống hạnh phúc ngập tràn. Và rằng các ông cứ an tâm Thầy của họ có chết thì cũng sẽ phục sinh vinh quang.

Hiển dung, biến cố biểu lộ vinh quang thần tính của Đức Kitô.

Trong cuộc sống thường nhật, Chúa Giêsu thường chỉ biểu lộ nhân tính của Ngài là một con người như mọi người, ngoại trừ tội lỗi. Còn thần tính của Ngài vẫn còn ẩn dấu, ẩn dấu trong một thân xác nghèo hèn dân dã.

Thế nhưng, qua biến cố hiển dung, vinh quang Thiên Chúa, tức thần tính của Đức Giêsu tỏ hiện rõ nét và rạng ngời. Rõ nét đến độ, thánh Mathêu mô tả là các môn đệ choáng ngợp, té sấp mặt xuống đất: “Dung nhan Ngài chói lọi như mặt trời, y phục Ngài trắng sáng như tuyết”. Rạng ngời đến nỗi các môn đệ chỉ còn muốn sống mãi trên núi với Chúa mà thôi. Chính thánh Phêrô xác nhận điều này: “Lạy Thầy, chúng con ở đây thì tốt lắm lắm. Nếu Thầy muốn, con xin làm 3 lều”.

Trong một bài suy niệm của mình, Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt cũng đã viết: “Thần tính Chúa Giêsu biểu lộ chứng thực Người là Thiên Chúa ẩn mình. Thì ra manh áo đơn sơ của bác thợ mộc che dấu cả một nguồn ánh sáng chói lọi. Tâm thân dân dã nghèo hèn lại là chiếc bình chứa đựng Ngôi Hai Thiên Chúa cao sang”.

Hiển dung, biến cố khích lệ niềm tin cho các môn đệ trước viễn tượng cuộc thương khó của Thầy mình.

Chúng ta thấy rằng khi Chúa Giêsu bị bắt, ít là có hai trong ba môn đệ (Phêrô, Giacôbê và Gioan) đã từng chứng kiến biến cố hiển dung đã không bỏ trốn như các môn đệ khác. Điều này chứng tỏ niềm tin của ba môn đệ này được củng cố rất nhiều, nhờ thấy trước vinh quang phục sinh của Đức Giêsu. Đối tượng cụ thể của niềm tin đó chính là Đức Kitô, Con Một Yêu Dấu của Chúa Cha trên trời. Và vì tin vào Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai, là Con Thiên Chúa, các ông cần phải lắng nghe lời dạy của Ngài:

“Đây là Con Ta yêu dấu. Các Ngươi hãy nghe lời Ngài”. “Lời Ngài” mà Chúa Cha muốn nói ở đây là lời Chúa Giêsu loan báo về cuộc thương khó tử nạn và phục sinh của Người. Lời Ngài ở đây là lời tiên báo về sự bắt bớ, tra tấn, đánh đập và bị giết chết nhục nhã trên Thánh Giá. Nghe để không bị chao đảo, nghe để không bị mất đức tin trước những thử thách nặng nề như thế.

ĐTC Bênêdictô XVI, trong Sứ điệp Mùa Chay 2011, đã nói: “Tin Mừng về cuộc Hiển Dung của Chúa đặt trước mắt chúng ta vinh quang của Chúa Kitô, báo trước cuộc phục sinh và loan báo sự thần hóa con người Kitô hữu. Ngài mời gọi chúng ta hãy ý thức mình cũng được dẫn lên núi cao như các Tông Đồ Phêrô, Giacôbê và Gioan, để tái đón nhận món quà Ân Sủng của Thiên Chúa là Chúa Kitô” (số 2).

Trong ý nghĩa đó, một khi đối diện với những bế tắc, nghiệt ngã trong cuộc sống vô thường ở đời này, chúng ta được mời gọi hãy chiêm ngắm biến cố Hiển Dung để hy vọng, để cậy trông vào một cuộc sống vĩnh phúc đích thực mai sau, cuộc sống mà Chúa đã hứa ban cho tất cả những ai tin vào Người. Hơn nữa, chúng ta còn được gọi mời khi gặp những đau thương thử thách của thập giá, hãy hướng lòng trí lên Đức Kitô vinh quang trên núi Taborê để được khuyến lệ, để được vấn an hầu có thể vượt qua được những thử thách đau thương ấy trong đời. Amen.